Monday, September 19, 2011

Bài báo làm phụ huynh Anh giật mình

Bài báo làm phụ huynh Anh giật mình

Gần 500 lời bình sau 2 ngày đăng tải và hiện tại thì BBC đã không còn tiếp nhận các bình luận, bài báo "Trẻ em cần thời gian, không phải vật chất" đã khiến các phụ huynh Anh có dịp tự kiểm lại mình.

Tuyệt đại đa số đồng ý với cách nhìn của tác giả và kết luận của bài báo. Nguyên nhân của tình trạng này, theo độc giả, là do cuộc sống khó khăn, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp. Nhưng cũng không ít tranh luận cho rằng, không thể nại lý do vì công việc, các bậc phụ huynh cần kỹ năng quản lý thời gian và bớt ích kỷ hơn.



Áp lực công việc

Vào những năm 60-70 các gia đình có thể sống chỉ với một thu nhập. Do đó chỉ một người phải đi làm toàn thời gian, người kia có thể ở nhà hay làm việc bán thời gian và có nhiều thời giờ hơn dành cho con cái. Lúc đó, người ta tiết kiệm để mua nhà, nhưng ngày nay người ta vay nợ để mua nhà rồi trả sau. Mà trong 30 năm qua, giá nhà đã tăng khoảng 10 lần so với tăng lương, nên nợ nần chồng chất. Cả hai đều phải làm toàn thời gian mới mong trang trải nổi.

Thế là, người Anh có giờ làm việc dài nhất châu Âu. Họ bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn của mua nhà, sắm thêm tiện nghi và phải tăng giờ làm.

Một độc giả, (nick Mugwump), viết: “Ngày làm việc của tôi trung bình 8,5 giờ bao gồm cả giờ ăn trưa. Tôi phải bỏ ra thêm 2,5 giờ mỗi ngày lái xe đi về. Giao thông công cộng sẽ tăng gấp đôi thời gian và tăng gấp ba chi phí. Nếu không vì thế, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn với gia đình, và hạnh phúc gia đình sẽ được cải thiện thêm nhiều. Tôi chắc chắn rằng câu chuyện tương tự của tôi cũng được nhìn thấy trên khắp Vương quốc Anh”. Một giáo viên cho biết anh phải làm soạn bài, chấm bài ở nhà nhiều hơn chơi với con cái. Một độc giả viết: “Tôi không thấy con gái lớn của tôi vì nó đã lên giường trước khi tôi về nhà vào buổi tối”.

Khoảng thời gian sum họp gia đình ngày càng ngắn ngủi. Các bà mẹ đơn thân phải gởi con cho nhà trẻ lúc 7h30 sáng và đón con về lúc chúng sắp lên giường. Bạn đọc có nick là yellowsandydog cho biết “nhiều gia đình chỉ ăn chung với nhau mỗi bữa một tuần, thường là Chủ nhật. Độc giả DavidHolde nói người Thụy Điển và Tây Ban Nha dành nhiều thời gian để nấu thức ăn tươi và ăn cùng nhau chứ không xem TV nhiều như người Anh. Trong bữa ăn họ nói chuyện, chia sẻ ý tưởng và tình cảm.

Ít tiếp xúc với bố mẹ phải đi làm, và do kiểu gia đình nhiều thế hệ không còn phổ biến, nên trẻ cũng không được gần ông bà. Kết quả là trẻ không nghe được lời lẽ yêu thương mà chỉ còn lời cằn nhằn của người giám hộ. Độc giả John cunningham nhận xét ông thấy ở các nước Bắc Âu có sự nối kết tình cảm thân thiết giữa các thế hệ hơn ở Anh.

Một bạn đọc khác viết: “Trẻ cần sự quan tâm và tình cảm, chúng cũng muốn được rèn giũa, hướng dẫn và chỉ đạo trong cuộc sống cũng quan trọng như học tập, và chúng không hài lòng khi một yêu cầu cơ bản như vậy bị từ chối”.

Bố mẹ dành nhiều thời gian nơi công sở hơn ở nhà, cảm thấy có lỗi vì không gần gũi con nên tặng quà, đồ chơi đắt tiền như một kiểu bù đắp. Quảng cáo trên TV cũng có phần trách nhiệm. Cả bố mẹ và con cái đều chịu áp lực của quảng cáo trên kênh Children's TV, nơi các sản phẩm thời thượng, đắt tiền cho trẻ em được quảng cáo ra rả hằng ngày. Không chỉ tầng lớp khả giả mà ngay cả dân nghèo cũng bị vạ lây.

Một độc giả là giáo viên nhận xét: “học sinh của tôi luôn dùng những thứ hàng hiệu, xịn và đắt nhất mặc dù có tới 82% là con nhà nghèo, lý do là bố mẹ chúng muốn tạo vẻ bề ngoài cho con bằng bạn bằng bè để con đỡ tủi. Để có những thứ đó cho con, họ phải đầu tắt mặt tối: làm việc, làm việc và làm việc. Lấy đâu ra thì giờ và sức lực để gần gũi con cái?

Một số độc giả cực đoan quy lỗi cho lối sống bắt chước Mỹ của người Anh, khi viết: “Tại sao chúng ta đi so sánh Vương quốc Anh với phần còn lại của châu Âu làm gì? Mọi người đều biết chúng ta là phần phụ của Mỹ và đã áp dụng lối sống của họ và các tệ nạn xã hội như thế này là một kết quả tất yếu”.

Bớt lướt web và đi bar

Tuy nhiên, rất nhiều độc giả không hoàn toàn quy lỗi cho công việc. Một độc giả viết: “Không ai làm việc 24/7 cả. Không có kỹ năng quản lý thời gian, sử dụng thời gian rỗi không hợp lý là nguyên do. Chơi trò lô-gô hay đọc sách cho con nghe trước khi ngủ không hề mất nhiều thì giờ như nói chuyện phiếm trên điện thoại hay xem TV, lướt nét. Phụ nữ dành nhiều thời gian mua sắm hơn là dẫn con tới công viên.

Thái độ ích kỷ của bố mẹ cũng là một nguyên nhân, như có độc giả viết: “Nếu bạn không có thời gian cho con cái bạn, tại sao bạn có thời giờ bù khú với bạn bè nơi quán ba, cà phê?”

Khá nhiều độc giả xoay xở tốt để vừa có thời gian vừa có vật chất cho con cái:

“Khi chúng tôi bắt đầu một gia đình, chúng tôi quyết định thay đổi các ưu tiên: dành cho con cái thời gian, tình yêu và tình bạn. Kết quả là, chúng tôi đã có những đứa con dễ thương, hạnh phúc. Chúng tôi đã làm điều đó mà không cần chính phủ hoặc UNICEF. Hãy dành thời gian cho con cái vì đó là sự đầu tư mà bạn sẽ không bao giờ hối tiếc”.

Một bạn đọc khác kể: “Con trai tôi kể với tôi bạn bè nó ghen tị với nó. Lý do? Khi nó về nhà thì đã có bố mẹ trong nhà còn đa phần bạn bè nó phải ở nhà một mình cho đến 8 giờ tối”.

Một bà mẹ đơn thân có cậu con trai duy nhất lên 10 đã hỏi con muốn mẹ có nhiều thời gian bên con hay muốn có nhiều đồ hơn. Nó trả lời "thời gian", vì vậy bà mẹ đã từ bỏ công việc hấp dẫn để làm công việc bán thời gian kiếm đủ để nuôi sống hai mẹ con, và tham dự các trận đấu bóng đá, câu lạc bộ của con tại trường học. 8 năm nay, gia đình chị hạnh phúc, ổn định và chị hài lòng.

Một độc giả có lời bình rất hóm hỉnh:

Hỏi: "Người Pháp có yêu con cái không?"

Trả lời: "Có, nhiều hơn người Anh, nhưng kém hơn Thụy Sĩ"

Một độc giả khác, có nick là david, hài hước hơn, đã viết “chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn cho con cái nếu không lên mạng viết những lời bình như thế này”.

  • Nguyễn Quang (tổng hợp)

No comments: